Xây trung tâm thương mại 10 năm chưa xong, DOJI vẫn được giao quy hoạch “siêu dự án” ở Vân Đồn?

Xây trung tâm thương mại 10 năm chưa xong, DOJI vẫn được giao quy hoạch “siêu dự án” ở Vân Đồn?

Tập đoàn DOJI đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại số 5 Lê Duẩn gần 10 vẫn chưa xây xong

TTTĐ – Là chủ đầu tư xây dựng trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp tại số 5 Lê Duẩn (Hà Nội) đã gần 10 năm còn ngổn ngang nhưng mới đây Công ty CP Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI (gọi tắt là Tập đoàn DOJI) vẫn được UBND tỉnh Quảng Ninh giao quy hoạch “siêu dự án” ở Vân Đồn. Trước sự việc này, dư luận đặt câu hỏi về năng lực của Tập đoàn DOJI trong lĩnh vực xây dựng?

Bài liên quan

Mới đây dư luận xôn xao trước việc UBND tỉnh Quảng Ninh giao Tập đoàn DOJI triển khai nghiên cứu xây dựng ý tưởng quy hoạch phân khu 2 và 3 trên diện tích gần 200ha thuộc Khu đô thị Cái Rồng. Trong khi nhìn lại việc tập đoàn này đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp tại số 5 Lê Duẩn (Hà Nội) nhưng gần 10 năm vẫn còn ngổn ngang khiến nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi:

Một đơn vi xây dựng tòa nhà 10 năm không xong thì có đủ năng lực để làm một “siêu dự án” tại khu vực trọng điểm như Vân Đồn? UBND tỉnh Quảng Ninh dựa vào đâu để lựa chọn DOJI là đối tác cho việc quy hoạch này? Việc công trình từ 9 tầng nâng lên 19 tầng liệu có đảm bảo độ an toàn? Dự án đất vàng giữa Thủ đô gần 10 năm lãng phí, thất thoát như thế nào?

Nhiều hạng mục công trình số 5 Lê Duẩn vẫn đang ì ạch thi công

Nhiều hạng mục công trình số 5 Lê Duẩn vẫn đang ì ạch thi công

Qua tìm hiểu được biết, dự án trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp tại số 5 Lê Duẩn, do Tập đoàn DOJI khởi công xây dựng vào ngày 30/7/2010. Theo DOJI, dự án “đất vàng” Lê Duẩn này được giới thiệu là công trình có phong cách kiến trúc rất đặc biệt và mang nét đặc trưng của Tập đoàn. Công trình lấy ý tưởng là một viên Ruby đặt trên một chiếc nhẫn kim cương, biểu tượng cho sức mạnh, bền vững và sự vĩnh cửu.

Thời điểm được UBND TP Hà Nội chấp thuận đầu tư, theo giấy phép xây dựng, dự án có chiều cao 33m, gồm 9 tầng nổi và 3 tầng hầm được xây dựng trên khu đất rộng 1.624m2. Khi được khởi công xây dựng, công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2012. Tuy nhiên, khi xây thô đến tầng thứ 9 thì dự án đột ngột dừng thi công và chậm tiến độ nhiều năm.

Đến năm 2017, dự án được tái khởi động, thi công trở lại khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Bất ngờ hơn, tòa nhà đã tăng quy mô chiều cao công trình lên đến 19 tầng.

Ghi nhận của PV trong những ngày cuối tháng 5, cho thấy toàn bộ công trình vẫn được quây tôn phía ngoài. Ở phía trong có một số công nhân làm việc. Dưới chân công trình nhiều vật liệu xây dựng chất đống, còn phía trên tòa nhà thì vẫn còn ngổn ngang khá nhiều chi tiết chưa được hoàn thiện. Cổng dự án thì bị che khuất bởi một tấm pano chúc mừng năm mới khi tiết trời đã vào giữa mùa hè. Công trình cũng bị nhiều người dân xung quanh phản ánh về việc chậm trễ gây ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của họ trong nhiều năm qua.

Phía ngoài công trình được rào kín, bên trong nhiều vật liệu vẫn để ngổn ngang

Phía ngoài công trình được rào kín, bên trong nhiều vật liệu vẫn để ngổn ngang

Để tìm hiểu nguyên nhân sự chậm chễ trong việc DOJI xây nhà 10 năm chưa xong, PV đã liên hệ với UBND phường Điện Biên (Ba Đình, Hà Nội). Theo cán bộ quản lý trật tự đô thị phường cho biết, công trình này hiện nay do một mình tập đoàn DOJI đứng tên và giấy phép xây dựng đã được điều chỉnh so với giấy phép ban đầu được cấp năm 2010.

Cụ thể, dự án này có đến 3 lần được cấp giấy tờ liên quan đến xây dựng gồm: Giấy phép xây dựng ban đầu được cấp vào năm 2010, giấy phép điều chỉnh được cấp năm 2014 và tờ phụ lục bổ sung được cấp năm 2017.

Tổng số tầng của công trình sau 3 lần điều chỉnh là 16 tầng nổi, 3 tầng hầm (19 tầng), trong đó lần cấp phép đầu tiên dự án này chỉ có 9 tầng nổi và 3 tầng hầm. Tổng chiều cao công trình tính này tính từ vỉa hè là 63,6m (chiều cao ban đầu là hơn 33m), gần tương đương với chiều cao công trình tòa 8B Lê Trực (8B Lê Trực xây 19 tầng với chiều cao 69m, thực tế giấy phép chỉ có 53m. Sau đó, 8B Lê Trực bị yêu cầu cắt ngọn – PV).

Cán bộ quản lý trật tự đô thị phường Điện Biên cho rằng, một trong số nguyên nhân khiến công trình này kéo dài gần 10 năm vẫn chưa xong là do vấn đề khách quan. Bởi cùng khi đó xảy ra việc ồn ào liên quan đến 8B Lê Trực nên các cơ quan chức năng phải xem xét kỹ.

Trả lời câu hỏi về việc “công trình được cấp thêm tầng thì có làm ảnh hưởng đến nền móng và độ an toàn cũng như chiều cao công trình có đúng quy hoạch của thành phố?”, vị cán bộ quản lý trật tự đô thị phường Điện Biên khẳng định tòa nhà số 5 Lê Duẩn được cấp phép xây dựng đúng phép và đảm bảo an toàn.

Liên quan đến phản ánh của người dân về công trình phụ trợ ở khoảng lưu không, vị này cho rằng, đây là phần đất của doanh nghiệp chứ không phải đất lưu không. “Mà lại là đất vàng nên không bỏ phí”, vị Thanh tra Xây dựng phường Điện Biên nói thêm.

Để có thông tin khách quan giúp bạn đọc hiểu rõ sự trậm trễ công trình số 5 Lê Duẩn cũng như năng lực của Tập đoàn DOJI khi được giao quy hoạch “siêu dự án” 200 ha ở Vân Đồn (Quảng Ninh), ngày 24/5, PV đã liên hệ với đại diện của DOJI để tìm hiểu. Tuy nhiên đến nay, phía DOJI vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

Bài viết liên quan
Sơn vạch kẻ đường | Khóa học SEO web giúp lên TOP hiệu quả | Đại lý Vật tư kim khí giá tốt nhất Hà Nội | Khóa học Tiktok marketing | dập vuốt | thảm khách sạn giá rẻ | Bu lông inox | bu lông hóa chất | gia công đột dập| tư vấn pháp luật đất đai|| đai ôm inox|| bu lông neo móng| | bulong nở 3 cánh| Đào tạo seo|